15/6/17

961. CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN VÀ THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

      Gia Nghi

     Những cảnh báo từ Socrates về sự thiếu thốn của con người trong cuộc sống bận rộn khiến chúng ta nhận ra tính hợp lí của sự tối giản. Giữa những bận tâm chồng chất của đời sống, tìm được điều quan trọng, thiết yếu nhất, loại bỏ những điều không cần thiết chính là biểu hiện của một nhận thức và ứng xử đạt đến sự thông thái.

     Greg Mc Keown - tác giả cuốn sách Nghệ thuật theo đuổi sự tối giản cũng đưa ra nhận định: “Điều đó (sự tối giản - G.N) cũng không có nghĩa bạn chỉ cần làm ít đi mà là bạn cần đầu tư thời gian và công sức của mình một cách hợp lí và sáng suốt để đóng góp được ở mức cao nhất bằng cách chỉ làm những việc cần thiết đối với mình” (Bảo Thư dịch, Nxb Lao động Xã hội, 2016). Việt Nam đương đại, trong sự hội nhập một cách sâu rộng, trong các tương quan chằng chịt của quá khứ, hiện tại, truyền thống, tương lai, bản địa và toàn cầu hoá, khoa học kĩ thuật công nghệ,… đã đặt con người vào một mối bận rộn đủ để đến lúc đặt ra vấn đề cần phải thanh lọc, loại bỏ - tối giản hoá.
     Sự tối giản trong hội hoạ, kiến trúc, văn chương thể hiện cấu trúc tinh thần của con người trong những động thái hướng đến sự tối giản của đời sống. Chủ nghĩa tối giản (minimalism) ra đời sau thế chiến thứ hai ở phương Tây và phát triển mạnh vào những năm 60, 70 của thế kỉ XX. Chủ nghĩa tối giản phản ứng lại với chủ nghĩa cầu toàn trong một thế giới phồn tạp, có quá nhiều thứ để con người quan tâm, mọi thứ bị cuốn trong mớ bòng bong của đời sống khiến con người luôn cảm thấy mỏi mệt, đa mang không thoát ra được. Phải can đảm để rũ bỏ những thứ không cần thiết, giữ lại những điều thiết yếu nhất. Đó là phong cách sống tối giản. Tối giản không phải là làm ít đi, ít quan tâm đi, mà là chú ý đến cái cần thiết, hữu ích nhất, loại trừ những thứ không quan trọng, làm vướng bận con người, cản trở chất lượng cuộc sống. Sự bùng nổ của internet, các phương tiện truyền thông là một cơ hội của chủ nghĩa cầu toàn, của sự “thậm phồn”. Trong thế giới của muôn vàn liên kết như thế, con người dường như đánh mất cơ hội được quan sát, nghiền ngẫm, đánh giá, xác định các giá trị hữu ích, thiết thân. Bởi vậy, về bản chất, sự đa bội trong thế giới toàn cầu hoá dễ dẫn con người đến sự vô cảm, thờ ơ, hời hợt với tất cả mọi thứ. Tối giản trả lại cho con người cơ hội được sống với những điều thiết yếu nhất. Nhưng, không phải ai cũng có thể nhìn thấy sự tối giản trong tính đa bội, cầu toàn. Cần phải có năng lực nhận ra cái gì là thiết yếu nhất. Dũng cảm loại bỏ, dũng cảm đối mặt với cái nhìn xa lạ, hoài nghi từ cộng đồng cầu toàn. Tối giản, như thế, cũng không phải là chống lại toàn cầu hoá, chống lại những tương giao của đời sống, mà đó là năng lực nhìn ra mối liên hệ bản chất nhất, hình thái căn bản nhất của hiện hữu. Con người tối giản tìm được sự cân bằng trong những ồn ào xao động của đời sống, giải trừ được sự mệt mỏi bởi những mối bận tâm đến từ bên ngoài. Sự trầm uất, quá tải, stress hay những chứng bệnh khác của thời đại truyền thông có thể được kiểm soát thông qua lăng kính tối giản. “Chúng ta đã mất khả năng chọn lọc cái gì là quan trọng và cái gì không. Các nhà tâm lí học gọi đó là sự mệt mỏi của việc quyết định: khi chúng ta buộc phải đưa ra càng nhiều quyết định thì chất lượng của những quyết định đó càng giảm sút” (Greg Mc Keown).
        Thơ Việt Nam đương đại đang thể hiện một cách khá sinh động tâm thức của con người trong không gian sống giao thoa các hệ hình tiền hiện đại, hiện đại, hậu hiện đại. Hình thái đời sống này dường như làm tăng lên áp lực đối với con người Việt Nam. Chính vì vậy, sự tối giản trong thơ như một phương cách, một thái độ, một ứng xử nhằm giải toả trạng thái căng thẳng của cá nhân. Tiêu biểu cho khuynh hướng này, có thể kể đến Đoàn Văn Chúc với thơ một hai chữ, Lê Đạt với thơ hai câu, Dương Tường (Đàn), Mai Văn Phấn (Hoa giấu mặt; thả), Nguyễn Khoa Linh (Nghiệm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9), Hàm Anh (Gọi tháng ba), lu (lấp kín một lặng im), một số bài thơ ngắn của Nguyễn Thế Hoàng Linh…

        Trước hết, sự tối giản trong biểu hiện của các tác giả này là ở chỗ, thơ của họ tiến đến hình thái thơ ngắn (một hai chữ, hai câu, ba câu, bốn câu). Sự lược bỏ về mặt hình thức, vật liệu là bước đầu tiên trong việc thể hiện lựa chọn của các tác giả. Đàn của Dương Tường chỉ có một chữ với những cách trình bày khác nhau. Mai Văn Phấn với thơ ba câu trong Hoa giấu mặt và thả, Nguyễn Khoa Linh với một series Nghiệm - hai câu, Gọi tháng ba của Hàm Anh là những bài thơ ngắn, lấp kín một lặng im của lu hay thơ ngắn của Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng chỉ là những bài thơ hai, ba, bốn câu xinh xắn mà ám ảnh… Sự tinh giản về mặt hình thức đã nói lên tâm thế của chủ thể sáng tạo trong việc lựa chọn hình thái hiện diện của văn bản. Điều đó, trong tư duy không biện biệt hình thức và nội dung, đã mang đến cảm quan nghệ thuật mới. Xu hướng tối giản về hình thức dường như đang thu hút được khá đông các nhà thơ theo đuổi cũng như sự quan tâm của độc giả. Sự nở rộ của trường ca những năm vừa kết thúc chiến tranh, sự trương nở của thể thơ dài thâu tóm nhiều vấn đề của đời sống, sự gia tăng yếu tố sự kiện, truyện kể trong thơ đã khiến cho thơ trở nên cồng kềnh. Do vậy, cùng với áp lực từ đời sống, trở về với sự tối giản trong hình hài những bài thơ nhỏ nhắn, xinh xắn là lựa chọn của khá nhiều người.

     “Ít nhưng chất” là cách chúng ta hình dung về sự tối giản. Theo đó, chất lượng được đặt lên trên số lượng. Đối với thơ tối giản, chú ý thẩm mĩ, tình cảm thẩm mĩ, ý thức thẩm mĩ… lại càng ưu tiên cho khía cạnh chất trong khi nỗ lực hạn chế tối đa phương diện lượng. Sự nghiêm khắc trong lựa chọn để đẩy phương diện chất đến giới hạn tối đa đồng thời giảm thiểu công cụ, phương tiện biểu đạt chính là ý niệm của mĩ học tối giản. Muốn như thế, nhà thơ phải có một hệ thống các tiêu chí, các nguyên tắc làm căn cứ cho việc triển khai ý niệm nghệ thuật của mình. Có thể khái quát các nguyên tắc của mĩ học tối giản trên một số phương diện như:
     - Tối giản về hình thức - phương thức nghệ thuật. Các nhà thơ chủ trương tối giản lựa chọn hình thức hai, ba, năm câu, trục xuất hư từ vốn là nguồn cơn của gia tăng các cấu trúc ngữ pháp, tiết chế hệ thống từ ngữ biểu cảm, miêu tả, hạn chế vần để giảm thiểu sự lan toả của ngữ âm, vận hành một vài nhịp có tính sơ khởi, tuyển lựa những từ ngữ đắt giá, đắc địa nhất cho tứ thơ của mình. Chẳng hạn: Sương mù/ Giăng/ Gỗ mục/ Đơm hoa (thả - Mai Văn Phấn); Con sẻ nhỏ ngủ quên mùa lá nở/ tự phai mình trong một cánh rừng thu (lấp kín một lặng im - lu); Chợt nhớ về xứ cũ/ Nâu sồng quên mộng xanh (Quên - Nguyễn Khoa Linh)… Nhưng, vẫn phải kính cẩn nghiêng mình trước sự tối giản đến mức lặn sâu vào chữ, đập chữ ra để tìm thấy lõi, quăng quật chữ để chữ phát nghĩa, rời bỏ xác chữ để phiêu du trong miền “bóng chữ” như Lê Đạt:Nắng tạnh heo mày hoa lạnh/ Mimôza chiều khép cánh mi môi xa (Mimôza); Anh rình trắng nghìn trăng nghiêng ngõ mộng/ Bước thị thơm chân chữ động em về (Tấm chữ).
       
- Tối giản về đối tượng: Để tối giản, thi sĩ của khuynh hướng này thường khai thác hiệu quả của biểu tượng. Biểu tượng có khả năng thâu tóm thế giới tinh thần ở cả chiều vô thức và hữu thức, cả quá khứ, hiện tại và luôn mở rộng dự phóng về tương lai. Biểu tượng chấp nhận các khả thể diễn giải trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Chẳng hạn: Hoa ở Côn Sơn/ Thơm/ Suối trong/ Len qua viên cuội; Đỉnh cây/ Chao đảo/ Lòng hồ/ Yên tĩnh (thả - Mai Văn Phấn). Biểu tượng hoa - suối - viên cuội đã thể hiện cái nhìn quán chiếu của chủ thể về con đường giác ngộ. Biểu tượng đỉnh cây - lòng hồ đã thể hiện những trạng thái, chất sống khác nhau: chao đảo - yên tĩnh. Với tập thả, Mai Văn Phấn dùng thể ba câu và biểu tượng, giản lược nhiều phương diện trong một văn bản thơ. Người đọc sẽ khó đạt được mục đích khi đi tìm những cảm thức đô thị hay nhà máy, bê tông, xe cộ, những sự vật hiện tượng bề bộn như ở một số tập trước của anh. Điều đó không nói lên thái độ rời xa cuộc sống, ngược lại, chủ thể đã nhìn sâu vào bản chất hay những giá trị cốt lõi có tính siêu thời gian, không gian của đời sống. Điều gì có thể đạt đến khả năng siêu thời gian, không gian như thế? Chỉ có thể là giá trị nhân bản phổ quát. Giá trị này tồn tại vượt lên các giới hạn về không gian, thời gian, thể chế, quốc gia, tôn giáo…

       - Hạn chế tối đa bày tỏ cảm xúc: Giữ thái độ khách quan phải được xem là tâm thế của chủ thể sáng tạo nghệ thuật tối giản. Đối với những thể thơ ngắn hai câu, ba câu… việc duy trì thái độ trữ tình khách quan là rất cần thiết. Sự khách quan giúp tiết chế được lời, cảm xúc, để biểu tượng và tứ thơ tự phát sáng, “hữu xạ tự nhiên hương”. Như thế, phương thức giao tiếp nghệ thuật chủ đạo ở đây là gợi. Chủ thể sáng tạo không nói cụ thể ý niệm, cảm xúc của mình. Người đọc cũng không tiếp nhận những gì chủ thể gửi gắm mà qua gợi ý từ tác phẩm, người đọc tự tìm ra cho mình những thông điệp, ý nghĩa từ tác phẩm. Chẳng hạn: Chân trời bay mất/ lũ chim không biết bám vào đâu (lấp kín một lặng im - lu); Hãy tận tâm/ nhiều khi/ trong lặng thầm (Phép thử thuật tư biện - Mai Quỳnh Nam)…

      - Thu hẹp không gian, trường nhìn vật lí để mở rộng không gian của tinh thần - không gian tâm tưởng. Không gian tâm tưởng là một siêu không gian, bởi ở đó có thể xâm nhập, trùng xếp, đan cài các không gian: quá khứ, hiện tại, tương lai, vô thức, hữu thức, các không gian tâm linh, tín ngưỡng… Bội số của nó lớn hơn không gian vật lí rất nhiều. Bởi thế, tối giản mà hiệu quả biểu đạt lại cao hơn: Đêm lạnh/ Chiếc lá/ Ủ ấm/ Con sâu (thả - Mai Văn Phấn); Nói với anh/ Nói với bóng tối/ Bằng hơi thở/ Chỉ còn hơi thở (Gọi tháng Ba - Hàm Anh).

       - Rời bỏ cái vẫn được gọi là hiện thực khách quan, tiến đến những hiện thực của tâm tưởng, của sự khải thị. Chẳng hạn: Tôi là cọng cỏ dại/ từng mọc ngày XƯA rồi/ tôi là cọng cỏ dại/ sẽ mọc ngày SAU thôi (Tôi là một kẻ khác - Nhật Chiêu).

        Hệ thống những nguyên lí vừa nêu có thể hình thành một quy chiếu của mĩ học tối giản trong thơ. Tối giản đem đến chất lượng đời sống ở chiều sâu của sự tĩnh lặng mà không phải ai cũng có thể nhận biết giữa đời sống đương đại. Tối giản không đơn giản là kĩ thuật mà đó là thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan. Nói cách khác, đó chính là tư tưởng trong thực hành sống, thực hành nghệ thuật của con người theo đuổi chủ nghĩa này. Hình thức những văn bản ngắn là sự hiện ra của tư tưởng tối giản hoá, của mĩ học tối giản trong tương quan với các hình thái, xu hướng nghệ thuật, thẩm mĩ khác. Ở đây, cũng cần lưu ý, có trường hợp “đạm”, “nhạt” mà không phải tối giản. Trúc Thông là một trường hợp như thế khi thơ ông là mĩ học của “Trong”, “Đạm”, “Lụa” (Chu Văn Sơn, Trúc Thông: ngọn đèn xanh trong xứ mơ hồ). Chính nhà phê bình Chu Văn Sơn dùng khái niệm Đạm và tỏ ra băn khoăn về khái niệm Nhạt mà F.Jullien đã dùng (Bàn về cái nhạt, Trương Thị An Na dịch và giới thiệu, Nxb Đà Nẵng, 2004). Thực tế, F.Jullien đã cảm nhận được cái Đạm, nhưng qua cách dịch của Trương Thị An Na đã thành Nhạt. Một lưỡng lự có thể xuất hiện ở đây khi Đạm không phải là bản chất của cái tối giản. Trong hình dung về đối tượng, Đạm nói lên trạng thái chung thuộc về tính chất của cái được nói đến. Trong khi, tối giản lại là khái niệm chỉ mức độ. Có thể nhận ra, trong nghệ thuật tối giản, cái bao quanh, phủ lên đối tượng là cái Đạm, nhưng bản thân đối tượng lại được nhận diện và tập trung chú ý. Như thế, cái Đạm chính là cái đã bị loại/lược bỏ - cái không cần chú ý. Còn cái tối giản là cái được lựa chọn - cái tập trung chú ý. Dĩ nhiên, không thể tách cái Đạm ra khỏi tổng thể không gian nghệ thuật tối giản. Trong nghệ thuật tối giản, cái vắng mặt hiện hữu một cách mãnh liệt bằng chính sự vắng mặt của nó. Dương Tường sử dụng chữ đàn với những cách trình bày khác nhau là một cách thể hiện sự loại trừ và lựa chọn của ông. Chú ý đến nhạc, nhưng ông không dùng ngôn ngữ để miêu tả âm nhạc. Ông sử dụng biểu tượng cây đàn trong những cách điệu gắn với chữ đàn và các hình thức mô phỏng có tính tượng trưng. Do đó, tâm điểm chú ý sáng lên trong sự tinh giản tối đa của lời của các sự vật khác vô tình xuất hiện trong lời.

       Lựa chọn - kết hợp là nguyên lí căn bản của thơ. Điều này phù hợp với quan điểm về sự tối giản khi lựa chọn là cơ sở cho việc theo đuổi sự tối giản hoặc cầu toàn. Tất cả nằm ở mức độ, phạm vi, chất lượng sự lựa chọn của chủ thể. Sự lựa chọn trong thơ không chỉ là lựa chọn cái đúng mà lựa chọn cái phù hợp, cái hay, cái giàu giá trị biểu đạt, cái có nhạc tính và tạo nên nhịp điệu. Như thế, sự lựa chọn trong thơ vốn đã khắc nghiệt, đối với dạng thơ tối giản mức độ khắc nghiệt này còn tăng lên gấp nhiều lần. Thậm chí, chúng ta sẽ thấy hiện lên trong và xung quanh văn bản nhiều hơn những khoảng trắng - không gian vật lí. Nghệ thuật tối giản thể hiện khá rõ tính chủ thể trong việc phân định cái gì là thiết yếu, là tâm điểm của sự chú ý. Chúng ta sẽ thấy điều đó trong thơ của Mai Văn Phấn khi mỗi bài đều chỉ là một khoảnh khắc của thời gian, một góc nhìn với khá ít đối tượng trong trường nhìn: Tiếng chim mùa xuân/ Xuyên núi/ Cây rùng mình; Sau cơn mưa/ Cây non/ Từ khe đá/ Vươn ra biển. Sự tối giản đến mức chỉ còn lại rất ít từ ngữ, hình ảnh. Tuy nhiên, điều được lựa chọn đã nói lên một cách sâu sắc và đầy đủ nhất về tâm thức, cảm xúc, trạng thái - chân dung chủ thể trong một khoảnh khắc rất nhỏ của thời gian. Khoảnh khắc là đơn vị thời gian vô cùng quan trọng của sự tối giản. Sự chớp bắt một khoảnh khắc của thời gian, nơi sự sống diễn ra rất nhanh, thể hiện sự tinh nhạy của chủ thể đồng thời cho thấy khả năng cảm nhận, phán đoán, phân tích, loại trừ và lựa chọn của anh ta. Chính trong khoảnh khắc này, con người hiện hữu một cách trọn vẹn. Sự tối giản về thời gian, không gian, các hình thức biểu đạt khác (nếu có thể hiểu giản đơn như thế) đem đến cái nhìn tập trung vào một chi tiết. Sự tập trung một cách cao độ tạo nên cơ hội cho nhận thức, cảm xúc. Như thế cũng là tạo cơ hội cho chính sự sống.

       Chủ nghĩa tối giản lên tiếng về cái dư thừa, vô nghĩa của nhiều hiện tượng trong đời sống. Sự ồn ào, xô bồ của các trào lưu, dòng phái, chủ nghĩa, khuynh hướng trong thơ… đã khiến cho sự im lặng, tinh tế, sâu sắc trở thành một cái gì khá hiếm hoi. Dĩ nhiên, mọi sự tồn tại như thế lại chính là hiện thực trực tiếp của đời sống. Lựa chọn khoảnh khắc (lúc nào?), lựa chọn đối tượng (cái gì?), lựa chọn trạng thái (như thế nào?) phụ thuộc vào sự tinh nhạy, vốn tri thức, văn hoá, năng lực thẩm mĩ của chủ thể. Ở đây, câu chuyện dễ dẫn đến những hình dung như là chủ thể đang sử dụng con dao hai lưỡi. Sự thiếu tinh nhạy và năng lực văn hoá, tri thức, thẩm mĩ nông cạn dễ rơi vào vụn vặt mà ta gọi là sự đơn giản, tầm thường.

       Sự tối giản trong thực tế không phải là quá mới mẻ hay riêng khác ở thơ Việt Nam đương đại. Sự ra đời của nó ở phương Tây cũng đã từ rất lâu. Tuy nhiên, phương Tây dường như không phải là tất cả, truyền thống phương Đông cũng gắn liền với sự tĩnh lặng. Có thể tìm thấy sự tĩnh lặng trong tranh thuỷ mặc Trung Hoa, tư tưởng trung dung trong học thuyết Nho giáo của Khổng Tử, tinh thần vô vi trong học thuyết của Lão Tử, trong tranh Mặc Hội hay thể thơ haiku của Nhật Bản. Điểm gặp gỡ chính là những truyền thống này gắn với chủ thể là những người đã đạt đến sự thông thái về lẽ sống, quy luật của hoá sinh. Đặt những trạng thái và mức độ này vào một hệ thống, ta thấy rằng, cái “đạm” là phông nền, bối cảnh của cái tối giản. Đôi khi, hai trạng thái này bị nhầm lẫn bởi chúng gắn bó quá mật thiết với nhau. Nếu không có cái đạm, nhạt, chúng ta không nhận ra cái tối giản. Cũng như, cái tối giản không thể hiện ra ở một không gian đã ken dày các lựa chọn khác một cách phồn tạp. Sự thưa vắng những yếu tố, tín hiệu trong không gian là cơ sở để sự tối giản được lĩnh hội. Sự tối giản trong thơ ba câu của Mai Văn Phấn, Trúc Thông, Nguyễn Khoa Linh thiên về cái tĩnh lặng, thanh đạm của phương Đông. Trong khi đó, Đoàn Văn Chúc, Lê Đạt, Dương Tường, trẻ hơn nữa như Miên Di, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Hàm Anh, lu… lại nghiêng về phía kĩ thuật tối giản của phương Tây. Dẫu sao, trong sáng tạo của họ, tinh thần của sự sống được hiện ra trong những điều kiện tối thiểu của biểu đạt.

       Thơ Việt Nam đương đại đang chứng kiến nhiều khuynh hướng thể nghiệm. Mĩ học tối giản là một khuynh hướng dựa trên nhận thức, thái độ sống của chủ thể sáng tạo đang gây được nhiều cảm hứng cho công chúng đương đại. Trong hoàn cảnh sống “thậm phồn” như hiện tại, tối giản dường như đang trao lại cơ hội được sống cho con người. Từ rất xa xưa, Socrates đã cảnh báo: “Hãy cẩn thận với sự thiếu thốn của một cuộc sống bận rộn”. Tối giản, như thế, thật thú vị lại là điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Những lo âu về một thế giới vô cảm dường như đã tìm thấy ở chủ nghĩa tối giản một lời giải đáp hay một sự bám víu, để từ đó kiến tạo không gian sống nhân văn hơn cho con người đương đại.
                                                         Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Không có nhận xét nào: