14/2/18

1.075. CU ĐỦM VÀ THƠ NĂM CHỮ

         Mộc Nhân Lê Đức Thịnh
                                                                  Mến tặng Cu Đủm - Bùi Đình Nhâm

Cu Đủm là tục danh, bút danh, biệt danh, xước danh... (ai thích gọi gì cũng được) của Bùi Đình Nhâm, dân Đại Lộc – Quảng Nam chính hiệu; là cán bộ nhà nước chính danh; là "lều thơ" hẳn nhiên là chính xác (vì Đủm ta làm thơ, có một trại thơ, và có nhiều fans hâm mộ thơ…)…
Nhớ hồi thiếu thời, buổi sáng cùng nhóm bạn cuốc bộ khoảng 10 km đến trường thường ghé vô nhà Đủm để rủ ông anh của Đủm là bạn học của mình cùng đi, vậy là có dịp khám phá, tọc mạch đủ thứ trong khu vườn nổi tiếng của thị trấn này. Bố Đủm thời ấy là người yêu văn thơ, lại chăm nghề trồng hoa, làm vườn… nên vô nhà ông có lắm điều kì thú: được xem vườn mai cảnh, ăn trái cây, xin vài chồi mầm hạt giống cây hoa về ươm trồng và đôi khi được nghe chuyện, nghe thơ từ ông…
Biết Cu Đủm từ nhỏ là nhờ thế.
Bẵng đi nhiều năm, thế thời phân tán mỗi người mỗi ngã, gặp lại Nhâm ở từng phân khúc, nhiều tình huống, nhiều cớ sự khác nhau và lúc nào cũng thú vị.
Mấy năm gần đây, nhờ facebook phát triển nên cái sự giao lưu gặp gỡ thường xuyên và gần gũi hơn. Gặp và đọc Nhâm nhiều hơn, có cảm giác thú vị, lạ lẫm, hay và thích. Nhâm thành Cu Đủm; thành nhà thơ; anh em thành những người hâm mộ.
          Điều thú vị nhất ở Đủm là những bài thơ thu hút sự chú ý của bạn đọc qua những status trên dòng thời gian fb Cu Đủm hay Bùi Đình Nhâm.
Đủm – Nhâm viết nhiều, đủ thể loại: lục bát, thơ năm chữ, bảy chữ, tám chữ, thơ tự do, tản văn… nhưng tôi tâm đắc với những bài thơ năm chữ của Đủm.
***
Thơ năm chữ là một kiểu thơ dễ viết mà khó viết hay. Những bài thơ năm chữ hay nhất (thuộc trường phái trữ tình, nghiêm túc – cứ gọi vậy cho vui) của thơ Việt đã gắn liền với tên tuổi của Vũ Đình Liên (Ông Đồ), Nguyễn Nhược Pháp (Đi Chùa Hương) … và gần đây là những bài thơ năm chữ  (phản kháng, lề trái) của Thái Bá Tân… đã thu hút bạn đọc trên các diễn đàn mạng xã hội.
Đặc trưng của thơ năm chữ là tính tự sự được thể hiện qua các chuỗi sự việc kết hợp với dòng cảm xúc, suy ngẫm và thường đi đến cái kết bất ngờ, có tình huống tạo mở ra những liên tưởng, thái độ, cách nhìn thú vị.
Thơ năm chữ của Cu Đủm Bùi Đình Nhâm ngoài việc hội đủ những yếu tố nói trên còn có sức hút đối với bạn đọc trên cộng đồng mạng.
Sức thu hút đó đến từ các yếu tố: chuyện thời sự có cả trách nhiệm của công dân, thơ vui vẻ, hài hước, suy nghĩ cá nhân về các vấn đề xã hội…
Có thể nói mảng đề tài trong thơ Cu Đủm khá phong phú.
 Hãy thử đọc lại một số bài thơ năm chữ thú vị của Cu Đủm.
Trong bài “BÁC NHẠ ƠI !” Đủm nói với ông Bộ trưởng GD về những hiện tượng vừa vui vừa buồn, đáng khóc lại đáng cười của ngành GD:
Bác Nhạ ơi bác Nhạ
Có nền giáo dục nào ?
Mà cười ra nước mắt
Như nước ta ngán ngao
Thí sinh ba mươi điểm
Giỏi gì đến quá ghê
Mỗi môn mười điểm cả
Thế đại học lại chê.
Vậy trên ba mươi điểm
Không có quốc gia nào
Vượt trên cả hoàn thiện
Đúng là quá lào khào.
Nghề cốt lõi đất nước
Ngành sư phạm đáng buồn
Mỗi môn cần ba diểm
Sau thành giáo viên luôn.
Ngành kỹ thuật, công nghệ
Ngành nền tảng vững bền
Dành thí sinh điển thấp
Thậm chí cũng cho quên.
Cái ngành khổ cực nhất
Là phục vụ nhân dân
Như công an ngất ngưỡng
Ba mươi điểm không cần,
Không hiểu sao bọn trẻ
Lại mê cái ngành này
Bác Nhạ lại lên tiếng
Cố phấn đấu ngay đây.
Ngành liên quan sức khỏe
Liên quan đến con người
Cũng sau thành bác sĩ
Nhưng cũng đáng khóc cười,
Có nơi ba mươi điểm
Mới tính chuyện vào trường
Có nơi xét học bạ
Đủ điểm sàn lên đường.
Nông nghiệp là thế mạnh
Thí sinh chẳng muốn vào
Nếu có là điểm thấp
Hoặc chẳng còn đường nào

Giáo dục là quốc sách
Bác thấy nó thế nào ?
Đổi mới gì không bác
Càng đổi càng lao đao.
Thôi bác hãy so sánh
Mình ở đâu thế này
Các quốc gia lân cận
Trước đây và sau này
.
Bài “LÀM NGƯỜI TỬ TẾ”, tác giả đề cập đến thực trạng “hám danh bất chấp” của quan chức vô liêm sĩ, thiếu tự trọng đến “trơ tráo kì lạ”, “bất chấp tiếng cười đời” để mà mua danh hão; thậm chí đám này có thể qui kết là “bôi bẩn chế độ”
Nghĩ cuộc đời cũng lạ
Danh vọng và quyền uy
Đúng như nghiện thuốc phiện
Không nghĩ chuyện thịnh suy.
Chuyện ông Hồ Xuân Mãn
Ở Thừa Thiên đấy thôi
Vì hám danh bất chấp
Khóc cho cái thói đời,
Cũng chỉ vì danh hiệu
Để được phong “Anh hùng”
Lập hồ sơ giả tạo
Bỉ ổi thế là cùng.
Sự trơ tráo kỳ lạ
Làm quan đầu tỉnh rồi
Tại sao say đến thế
Bấp chấp tiếng cười đời.
Lại làm thơ con cóc
Đi ca ngợi con mình
Thẹn không ông Tuyên hỡi
Để thiên hạ họ khinh;
Thơ thế này, tôi chịu
Thơ thúi như “đi ngoài”
Thế mà dám chường mặt
Cho in sách mới oai.
Thằng cho đăng đáng nói
Một là, chẳng biết gì
Nịnh để kiếm chút cháo
Chút cặn thừa chứ chi;
Hai là, chúng chơi xỏ
Để thiện hạ cười chơi
Chúng ngồi sau đắc chí
Thói dám danh, ông ơi.
Nhân dân tinh tường lắm
Có công không làm ngơ
Không huân chương đầy ngực
Nhưng sẽ được tôn thờ
Làm tôi lại nhớ đến
Lời anh Nguyễn Bá Thanh
Sao mà nghe chí lý
Đáng để mà học hành:
“Người đời sẽ không nhớ
Kinh qua chức vụ gì
Mà người đời chỉ nhớ
Anh làm được những gì.”
Nếu cho tôi được chọn
Làm con của các ông
Cho dù trong nhung lụa
Tôi sẵn sàng nói: không.
Cảm thấy mình dơ bẩn
Sao nhìn mặt họ hàng
Chả còn gì tự trọng
Sao làm người đường hoàng.
(Tôi tự hào có được
Người cha chỉ nông dân
Sống chân thành, chuẩn mực
Không khen con, bản thân).
Hỏi tôi, ai phản động
Tôi sẽ chỉ mặt ngay
Những người như thế đấy
Bôi bẩn chế độ này.
Càng làm quan chức lớn
Cần chuẩn mực từng li
Sống vì người trước đã
Tiền nhân dạy còn gì
.
Bài SỐNG NHƯ VẬY CÓ NÊN ? tác giả nói mỉa về “khối tài sản” nào là biệt thự, biệt phủ, dinh thự, trang trại, doanh nghiệp của nhà quan; thế nhưng khôi hài ở chỗ khi lí giải về khối tài sản đó, mồm các quan nói như tấu hài rằng - thì - mà - là - do - tại - bởi: làm ăn chân chính đủ nghề từ chạy xe ôm, buôn chổi đót, nấu rượu, nuôi gà nuôi lợn… tích góp mà thành. Chuyện hài hơn cả bịa, vậy nên mới có thơ rằng:
Ô hô, vui vui thật
Mỗi ngày mỗi chuyện hài
Mà cười ra nước mắt
Chuyện cứ cười dài dài.
Hỏi về khối tài sản
Của bác Trần Văn Truyền
Bác bảo: làm khổ lắm
Thối móng tay, chẳng yên.
Rồi bác Nguyễn Sỹ Kỷ
Căn biệt thự nguy nga
Bác bảo: tích góp được
Chạy xe ôm đó mà.
Trường hợp gây chú ý
Giám đốc Sở Tài nguyên
Của anh Phạm Sỹ Quý
Có chi đâu làm phiền;
Tiền tôi làm biệt phủ
Buôn chổi thời thanh niên
Lá chít, làm giá đỗ
Nấu rượu, vay bộn tiền;
Cách mười mấy năm trước
Thu nhập lại càng cao
Có thêm nghề đánh bạc
Có chi đâu ồn ào.
...
Nếu lao động chính đáng
Điều đó đáng tuyên dương
Nhân dân càng ủng hộ
Đáng để được nêu gương.
Xin thưa các anh ạ,
Dân tôi chả ngu đần
Chỉ cần bốn phép toán
Biết lỗ lãi mình cần.
Heo bao nhiêu một lứa
Gà bao nhiêu một lồng
Giá bao nhiêu một ký
Chuối bao nhiêu một buồng…
Nếu các bác giải thích
Từ thu nhập gà, heo...
Tại sao không phổ biến
Cho nhân dân làm theo.
Thôi các bác bớt giỡn
Đừng làm thiên hạ cười
Hãy biết chút sĩ diện
Dù sao cũng là người.
Có khi nào chợt nghĩ
Có chất vấn lương tâm
Mình nói vậy bỉ ổi
Mình nói vậy ba sàm
Nếu các bác ảo tưởng
Nói đại, dân biết chi
Tự hạ nhục mình đấy
Dân tôi rất khinh khi.
Con các bác đọc báo
Rồi cũng có đi ra
Nghe người ta châm biếm
Liệu có dám nhận cha.
Đời có vay có trả
Nhân dân ghi nợ rồi
Của thiên thì trả địa
Của dân trả dân thôi.
Sống trong nhung, trong lụa
Không dám ngẩng đầu lên
Để tiếng đời xấu hổ
Sống như vậy có nên ?
Đề tài quan chức được Đủm viết khá nhiều, trong đó có nhiều bài viết theo thể bảy chữ, tám chữ khá hay như chuyện hot girl Quỳnh Anh… Ngoài ra còn có khá nhiều bài thơ thời sự về nhiều đề tài khác nhau như: Trung Quốc, biểu tình, những phát biểu ngây ngô hay ứng xử của quan chức, cán bộ biến chất… Khi có ai đó nói anh như là người tự diễn biến hay phản động, anh thẳng thắn trả lời: “Hỏi tôi, ai phản động/ Tôi sẽ chỉ mặt ngay/ Những người như thế đấy/ Bôi bẩn chế độ này” – đó vừa là câu dành cho đám quan tham vừa là lời tự khẳng định mình chuyện nào ra chuyện ấy, là trách nhiệm của người công dân.
Trong thơ của Đủm đôi khi có cả tính dự báo khá chính xác, chẳng hạn như khi báo chí nêu lên sự việc lình xình về giám đốc sở trẻ nhất nước, Cu Đủm cũng có viết về chuyện này từ cách đây 2 năm, không ngờ hôm nay kết cục diễn ra đúng như vậy, thật đáng nể: ĐÔI LỜI NHẮN NHỦ
Chúng ta cùng khẳng định
Chẳng ai ghét Bảo đâu
Cháu làm gì nên tội
Mà tiếng tăm loan mau.
Nhiều nhân sĩ trí thức
Cô Tôn Nữ Thị Ninh
Hoặc bác Cuông - Thanh Hóa ...
Cũng có vài lời bình.
Chỉ trách mấy người lớn
Không cân nhắc trước sau
Để dư luận lên tiếng
Rồi xầm xì với nhau.
Làm sao cho nó khéo
Nhắn mấy vị Quảng Nam
“Dục tốc thì bất đạt”
Năm chức trong ba năm;
Hàng ngày trên báo chí
Cứ nói mãi chuyện này
Cháu làm sao cống hiến
Dư luận cứ bủa vây.
Gần đây Bộ Nội vụ
Lại lên tiếng kiểm tra
Về quy trình bổ nhiệm
Lại tiếng vào tiếng ra.
Mình đôi lời nhắn Bảo
Cùng là người đồng hương
Đủ sức thì trụ lại
Hoặc trả chức, chẳng vương.
Con Bác Chinh, Bác Duẩn
Con bác Giáp, Bác Đồng
Rồi con cháu xứ Quảng
Trong đó, con Bác Công.
Người thì làm khoa học
Người thì làm kinh doanh
Chẳng vướng bận chức vụ
Cũng nổi tiếng nổi danh.
Được đào tạo bài bản
Nghe nói Bảo thông minh
Muốn đóng góp công sức
Thiếu chi cách hợp tình.
Chức tước của thiên hạ
Mình đâu giữ suốt đời
Hôm nay của mình đó
Ngày mai nó sẽ rời.
Quê hương có người giỏi
Mình cũng rất tự hào
Nhưng phải bằng năng lực
Thiên hạ ngã mũ chào.
Chú đôi lời muôn nói:
Cố gắng mà vươn lên
Đường đời còn rộng mở
Hãy làm gì mình nên.
Như vậy đủ để thấy thơ năm chữ của Cu Đủm mang đậm tính thời sự về hiện tình đất nước, về những “người đương thời” có liên quan đến các sự kiện nóng đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội.
***
Lại một điều thú vị khác trong những bài thơ năm chữ của Cu Đủm là tính hư cấu. Hư cấu là một kỉ năng thể hiện phẩm chất của người sáng tạo giúp người viết hay bạn đọc lí giải câu chuyện theo góc nhìn khôi hài, tạo tiếng cười và tăng thêm hiệu quả châm chích sâu cay qua mỗi sự việc.
Trong bài CHỌN PHÒ MÃ, tác giả đã khéo bịa ra một câu chuyện vừa hài, xen lẫn yếu tố thông tục vớivấn đề thời sự để dẫn người đọc đi đến kết luận về chuyện nóng BOT đang xảy ra khắp nơi:
Cũng là chuyện hóng hớt
Sáng ni ngồi cà phê
Câu chuyện rôm rả nhất
Cũng là Bê Ô Tê (BOT)
Có ông kể câu chuyện:
Có công chúa rất xinh
Của ông vua nước nọ
Lại muốn chọn người tình.
Nhưng cô lại mắc bệnh
Bệnh khát máu kinh niên
Vua kén chọn phò mã
Ngoài cái chuyện tình duyên,
Phải cho cô đầy đủ
Không đói khát bao giờ
Đặc biệt bệnh khát máu
Đầy đủ không thờ ơ.
Thế là bốn chàng đến
Thi thố để cầu hôn
Ngoài cái tài hùng biện
Tranh tài để thua - hơn.
Chàng đầu tiên thành muỗi
Bay đốt phát căng đầy
Về công chúa nếm thử
Chút máu đỏ tươi này;
Vua phẩy tay liền nói:
Có một giọt này sao
Con gái yêu của trẫm
Chết đói thì thế nào ?
Chàng thứ hai thành vắt
Vào rừng hút máu người
Vua bảo: ít thế nhỉ
Lắc đầu, phẩy tay cười.
Chàng thứ ba tích tắc
Hóa kotex mỏng tang
Vua khùng khục cười bào:
Đồ ngu, cút khỏi hàng.
Chàng thứ tư đứng dậy
Mặc áo trắng đóng thùng
Bề ngoài rất sang trọng
Không nói rất ngại ngùng;
Vua hỏi: tài gì thế
Mà cưới con gái ta?
Chàng dạ, thưa bẽn lẽn:
Con biết nghề thôi à.
Nghề gì ? Vua gặng hỏi
Dạ đó: Bê Ô Tê (BOT)
Vua vỗ đùi cái đét:
Cưới ngay…hê….hê….hê
Cái sự bịa của Cu Đủm khéo đến nỗi giữa bịa và thực lồng vào nhau, gợi ra những liên tưởng gần gũi, những câu chuyện, nhân vật mà  người đọc dễ dàng nhận ra rồi hả hê với những tràng cười mà không cần sự lí giải nào cả
KIỂM ĐIỂM CUỐI NĂM
Cuối năm ngồi kiểm điểm
Của hội uống cà phê
Cái ông ngồi bên cạnh
Phát biểu ri mới ghê:
Ta phê bình thật gắt
Những đồng chí sau đây
Với danh sách cụ thể
Mà ta thấy hàng ngày.
Sinh không có kế hoạch
Là đồng chí Âu Cơ
Đẻ một phát trăm trứng
Ta không thể làm ngơ.
Nàng Mỵ Châu đồng chí
Kết hôn người nước ngoài
Chứa chấp nỏ thần giả
Khi dùng mới thấy toi.
Có con làm gián điệp
Đồng chí An Dương Vương
Gây hậu quả nghiêm trọng
Bỏ chạy xuống đại dương.
Bổ nhiệm toàn con cháu
Là đồng chí Hùng Vương
Mười tám đời kế nhiệm
Không qui trình chẳng nhường.
Tiếp tay cho lâm tặc
Là đồng chí Thạch Sanh
Cứ lên rừng đốn củi
Làm mưa lũ hoành hành.
Là nữ đồng chí Tấm
Mất an toàn vệ sinh
Lấy xác Cám làm mắm
Gây thiên hạ bất bình.
Đồng chí Cuội nói dối
Bán đa cấp một đằng
Lừa đảo nói một nẻo
Bỏ trốn lên mặt trăng.
Đồng chí Chữ Đồng Tử
Lộ bí mật nước nhà
Tắm truồng khoe hàng khủng
Còn quyến rũ đàn bà.
Đồng chí Phạm Ngũ Lão
Ngồi đan sọt giữa đường
Gây tò mò tụ tập
Xử phạt lại xem thường.
Tội chiếm đất trái phép
Đồng chí Mai An Tiêm
Trồng dưa không xin phép
Mất công phải đi tìm.
Gây lũ trên diện rộng
Xả không đúng quy trình
Gây thiệt hại nghiêm trọng
Ấy đồng chí Thủy Tinh.
Buôn bán động vật quý
Để đổi lấy chút tình
Tận diệt các loài thú
Ấy đồng chí Sơn Tinh.
Riêng đồng chí Minh Mạng
Vi phạm luật hôn nhân
Phát tán rượu kích dục
Uống vô là rần rần.
Những dự đoán tiêu cực
Là đồng chí Trạng Trình
Dùng mạng mồm thiên hạ
Gây dư luận thất kinh.
Đồng chí Trưng, chí Triệu
Tự kết liễu ở sông
Đã nêu tấm gương xấu
Bọn trẻ như lên đồng.
...
Danh sách còn dài lắm
Tôi đề nghị các anh
Phát giác và tố cáo
Để xử lý cho lành.
Cu Đủm nghe như rứa
Chỉ biết ngồi im re
Biết chi mà phát biểu
Mọi người nói mình nghe.
Còn đây là một chuyện hư cấu mang ý nghĩa ngụ ngôn sâu sắc: những kẻ không có đầu óc tỉnh táo, không tự biết mình, không biết chọn bạn mà gởi gắm… thì sớm muộn gì cũng sẽ tự chuốc họa diệt vong. Tuy nhiên ý nghĩa thời sự của chuyện còn đi xa hơn, nhắc nhở chúng ta cần cảnh giác với ông bạn vàng hung dữ cận kề.
TRÂU VÀ BẦY SƯ TỬ
Mình thuộc loại nhiều chuyện
Lại có tính la cà
Cứ cóp nhặt chỗ ít
Để lấy chuyện làm quà.
Chuyện kể: khu rừng nọ
Có con trâu rất ngu
Nhưng ưng làm thủ lĩnh
Thế không biết mình ngu.
Nên mắc bệnh hoang tưởng
Thường vỗ ngực xưng danh
Tau rất là trí tuệ
Chỉ có tau mới thành.
Bầy trâu không cho nhập
Trâu sống rất cô đơn
Nên sợ bị ăn thịt
Trâu mới tính thiệt hơn.
Mon men bầy sư tử
Xin kết bạn, đinh ninh
Là bạn không ăn thịt
Dù sao cũng chút tình.
Hên lúc bầy sư tử
Đang rất là no đầy
Chúng vờ cho kết bạn
Như thịt để dành đây.
- Quà ra mắt gì vậy ?
Con đầu đàn gầm lên.
Trâu khúm mún lí nhí:
Dạ, em có nhưng quên.
Trâu về mang bó cỏ
Đám ác thú nhao nhao:
Bọn tau chỉ ăn thịt
Cỏ ăn đéo thế nào.
Con đầu đàn mới nói:
Nể tình bạn với mày
Bọn tau không ăn hết
Thôi ăn tạm đùi này.
Đã trót không thoái thác
Đành chấp nhận mất đùi.
Ăn xong bọn sư tử
Vẫn thèm nên tới lui.
Có ba chân thì lẻ
Thôi ăn thêm đùi hai
Máu chảy ra nhiều quá
Nên trâu chết liền ngay.
Vậy là bầy sư tử
Ăn hết thịt con trâu
Con mèo rừng gần đó
Thấy tranh ăn với nhau
Lựa thời nó nhảy xuống
Cổm quả tim lên ăn
Bọn sư tử nhớn nhác:
Trâu không có tim chăng.
Trên cây mèo lên tiếng:
Nó có tim sao không
Nhưng óc không hề có
Nên trâu mới vào tròng,
Mới chọn bay làm bạn
Nhà sử tử bọn bay
Tham tàn là số một
Ai hổng biết chuyện này
Thơ năm chữ của Cu Đủm như lời nói thường ngày, có thể gọi đó là “khẩu thi” bởi nó mang tính ứng tác và dùng nhiều khẩu ngữ. Ngoài những đề tài mang tính thời sự xã hội Đủm còn nêu lên những sự việc đời thường trong quan hệ ứng xử công dân. Chuyện xin -  cho là chuyện thường ngày thể hiện thói quen trong tư duy ứng xử của dân ta đã được Cu Đủm mổ xẻ khá tế nhị thấu tình đạt lí; đành rằng có những việc phải xin – cho nhưng trong một xã hội dân chủ công bằng, những chuyện mang tính phục vụ, hai bên cùng có lợi ích sao lại cứ khúm núm xin xỏ: SAO PHẢI LÀ “XIN”
Nghĩ cái điều cũng lạ
Đi tuyển dụng việc làm
Thế làm “Đơn xin việc”
Hằn sâu người Việt Nam.
Là người đi thể hiện
Chứng minh khả năng mình
Để nhà tuyển dụng thấy
Khả năng nghề mình tinh.
Tâm lý đi “xin việc”
Không nằm ở cái đơn
In dấu người dự tuyển
Cái đó nó còn hơn,
Ảnh hường thời bao cấp
Mọi thứ đều xin - cho
Bây giờ là thời khác
Chẳng việc gì xin - cho.
Ta có sức lao động
Thỏa mãn được người mua
Ta hài lòng bán sức
Chuyện “xin - cho” như đùa.
Trong hệ thống hành chính
Tồn tại nhiều “đơn xin”
Xin cung cấp dịch vụ
Xin chuyển trường, xin …xin…
Nhà nước này là để
Phải phục vụ nhân dân
Hoạt động bằng tiền thuế
Cung cấp mọi dân cần
Không có chuyện ban phát
Sao “Xin - cho” ở đây ?
Quyền ngang hàng, bình đẳng
Phải xảy ra hàng ngày.
Thay từ “xin” từ khác
Sao không là “yêu cầu”
Hay như là “đề nghị”
Quyền chính đáng để đâu ?
Bởi vì chúng ta có
Quyền yêu cầu chính quyền
Phục vụ trong khuôn khổ
Pháp luật đã được tuyên.
Không phải ban ân hệ
Dân không phải lụy mình
Không tâm thế người dưới
Tiêu cực sẽ phát sinh.
Nếu giữ mãi tư tưởng
Xin và cho thế này
Đừng mong chi phát triển
Đừng mong chi đổi thay
Ngôn ngữ là công cụ
Của tư duy con người
Việc thay đổi đơn giản
Bỏ từ “xin” được rồi
Những chuyện vặt khác trong đời sống như đứng ngồi, ăn uống, cưới hỏi… vào thơ năm chữ của Cu Đủm cũng tạo nên tiếng cười vui vẻ, tạo không khí rôm rả trong những cuộc vui mà cũng khá là chân thực sinh động: NÓI NHỮNG ĐIỀU AI CŨNG BIẾT (Chia sẻ kinh nghiệm đi dự tiệc cưới):
Mấy hôm nay gần tết
Thiệp cưới mời quá nhiều
Không đi thì thấy khó
Mà đi mệt đủ điều.
Lượm lặt được kinh nghiệm
Nói mọi người nghe chơi
Nếu thấy không hay lắm
Ai ý kiến xin mời:
Mình cũng nên đi trễ
Để được ngồi ngoài cùng
Nếu mà mình đi sớm
Ngồi nghe nhạc cũng khùng;
Khi đi nên ăn trước
Không cơm nguội thì xôi ...
Vào tiệc ngán tận cổ
Cũng mấy món thế thôi ;
Không phong bì “dày” quá
Nên đi theo giá sàn
Còn đường họ trả nợ
Đỡ “viêm” túi mình cần;
Khi bỏ tiền thùng cưới
Nên nhìn kỹ mẹ cha
Của cô dâu chú rể
Kẻo lộn mình phiền hà;
Chỗ ngồi nên chú ý
Nên tránh mấy cái loa
Khu vệ sinh gần đấy
Xét cần dễ cho ra;
Bàn có nhiều phụ nữ
Tránh xa chớ ngồi cùng
Phải ga-lăng gắp bỏ
Không thỏa mái khi dùng;
Nước ngọt lon nên uống
Vì không thấy được ruồi
Uống nước chai lỡ thấy
Mắc tù tội như chơi;
Nếu có mời lên hát
Chỉ nên hát một bài
Và cũng nên chớ dại
Hát bài: Tình nhạt phai;
Uống bia không bỏ đá
Đơn vị tính bằng chai
Không tính ly đâu nhé
Cứ thế cố mà đai;
Xong cưới nên tăng tư
Bỏ tăng hai tăng ba
Cứ thế vào khách sạn
Không ai thì về nhà.
...
Mùa cưới cũng đang rộ
Cu Đủm viết mấy lời
Giải bày cùng anh chị
Để vui vui thế thôi.
 Ngôn từ trong thơ Cu Đủm không cầu kỳ, mà trái lại rất dung dị, bình dân. Khẩu ngữ được sử dụng tài tình, yếu tố tục được đưa vào tự nhiên phù hợp, lối nói lái là đặc trưng ngôn ngữ Quảng Nam được vận dụng khéo léo.
Những status thơ năm chữ của Đủm khi quăng lên mạng facebook bao giờ cũng nhận được lượng like lớn của đông đảo bạn đọc và tạo tính tương tác ngồn ngộn qua những bình luận nhiều chiều vừa hưởng ứng vừa gợi mở những cảm nhận mới hay liên tưởng đến những sự việc, nhân vật liên quan…
          Lời thơ của Cu Đủm lúc thì dịu dàng, khi thì thân thiết, đôi khi có phần gay gắt giận dữ, khinh bỉ, xót thương nhưng không lúc nào thiếu tiếng cười. Đằng sau tiếng cười ấy là suy nghĩ, thái độ, quan điểm của tác giả đối với những vấn đề về con người, thế sự khiến chúng ta suy nghĩ.
Nghe Cu Đủm kể chuyện bằng thơ năm chữ bạn nghĩ sao?
Riêng tôi thấy thơ năm chữ của Cu Đủm lấp lánh sau những nụ cười.
***
 Mộc Nhân Lê Đức Thịnh, ngày cuối năm Đinh Dậu.

Không có nhận xét nào: